Sau nhiều năm ấp ủ nghiên cứu, ông Vũ Ngọc Tuấn (một Chủ tịch công đoàn cơ sở ở Thanh Hóa) đã thành công với sáng kiến cải tạo hệ thống lọc và thu hồi sơn tĩnh điện cyclone, làm lợi cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sáng kiến xuất phát từ sự bức thiết
Cty Hồng Đức hoạt động trong các lĩnh vực nội thất trường học, văn phòng, gia đình và khách sạn…
Các sản phẩm của công ty chủ yếu dùng sơn tĩnh điện để xử lý cho toàn bộ khung của sản phẩm, do đó mỗi năm phải sử dụng trên 100 tấn sơn tĩnh điện. Nhận thấy trong quá trình sản xuất, lượng sơn thất thoát ra ngoài lớn (khoảng 5%) và lắng đọng vào bể thải, gây lãng phí nguồn nguyên liệu, tốn nhân công và ảnh hưởng môi trường.
Xuất phát từ những bất lợi trên, ông Tuấn quyết tâm tìm tòi, khắc phục. Biến suy nghĩ thành hàng động, trước tiên ông bàn bạc, nêu ý tưởng với Ban Giám đốc và anh em kỹ thuật của nhà máy và được chấp thuận. Sau đó, ông bắt tay vào việc nghiên cứu, cái tiến hệ thống lọc và thu hồi sơn tĩnh điện cyclone.
Tham khảo các cơ sở sơn tĩnh điện trong nước và một số quốc gia phát triển, ông nhận thấy các đơn vị này thường sử dụng công nghệ thu hồi sơn Nano hiện đại, hiệu quả thu hồi sơn gần như triệt để. Tuy nhiên “tiền nào vải ấy”, giá thành mua những máy móc, thiết bị này lại lên đến hàng triệu USD, vậy nên công ty không thể đầu tư.
Quết tâm cải tiến, làm lợi hàng trăm triệu đồng
Do chi phí mua máy móc, thiết bị quá cao, không khả thi, nên sau đó, ông cùng nhóm kỹ thuật của công ty đã bàn bạc, quyết tâm cải tiến từ hệ thống lọc và thu hồi sơn cũ. Sau một thời gian “lao tâm khổ tứ”, miệt mài làm việc ngày đêm, một hệ thống lọc bụi và thu hồi sơn cyclone mới đã ra đời, với chi phí chế tạo, vật tư phụ kiện, nhân công lắp đặt hết khoảng 180 triệu đồng.
Hệ thống mới có 16 túi lọc chuyên dụng, van điều áp, bảng mạch điều khiển van xả khí tự động rũ sạch bụi sơn ở túi lọc. Với cách này, bột sơn được giũ sạch rơi vào máng thu và đạt khoảng 95% lượng sơn thải ra.
Sáng kiến hoàn thành, giúp công ty “được đơn, được kép” khi không phải mua máy móc, thiết bị mới với giá cao, mà còn giải quyết được “bài toán” thu hồi sơn thất thoát. Theo tính toán, mỗi năm công ty này dùng 100 tấn sơn (đơn giá 70.000đ/kg), lượng sơn thất thoát ra môi trường khoảng 5%, nay được thu hồi lại, giúp công ty giảm thiệt hại hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, cũng tiết kiệm nhân công thu dọn, xử lý môi trường hàng chục triệu đồng.
Những nỗ lực không ngừng, ông đã đưa Công đoàn công ty thành điểm sáng trong lao động sáng tạo, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo, bản thân ông cũng được tặng nhiều Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, LĐLĐ Thanh Hóa và các cấp công đoàn cơ sở.